Ung thư đại trực tràng - 1 trong 5 ung thư hàng đầu tại Việt nam

05/04/2024

Ung thư đại trực tràng là ung thư xuất hiện và phát triển ở đại tràng hoặc trực tràng. Khi đó, các tế bào trong đại tràng hoặc trực tràng tăng trưởng nhanh, không kiểm soát, dẫn đến xuất hiện các khối u.

Trong ung thư đại trực tràng, các tế bào trong lớp lót trên bề mặt của đại tràng hoặc trực tràng bị ảnh hưởng và tạo ra polyp ở đại tràng hoặc trực tràng. Theo thời gian, một số polyp trở thành tế bào ung thư. Ung thư đại trực tràng cũng có thể xảy ra khi một khối u ung thư từ các bộ phận khác của cơ thể di căn đến đại tràng hoặc trực tràng.

Ung thư đại trực tràng có nguồn gốc từ đại tràng hoặc trực tràng (95% là loại ung thư tuyến) được gọi là ung thư nguyên phát; được lan truyền từ các bộ phận khác bị ung thư được gọi là ung thư di căn. Tỷ lệ sống sót trong 5 năm giảm dần theo giai đoạn ung thư đại trực tràng

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng cơ năng:

- Rối loạn lưu thông ruột, táo bón hoặc tiêu chảy.

- Đi ngoài ra nhày máu, máu lẫn trong phân là triệu chứng thường gặp nhất.

- Đau bụng: u đại tràng phải đau kiểu Koernig, u đại tràng trái đau kiểu tắc ruột, u đại tràng sigma đau hạ vị kèm đi ngoài nhiều lần.

- Biến chứng của u như bán tắc, tắc ruột, thủng u gây viêm phúc mạc.

- Một số triệu chứng do di căn xa: tự sờ thấy hạch thượng đòn, chướng bụng.

Triệu chứng thực thể:

- Khám bụng: có thể sờ thấy u qua thành bụng hoặc qua thăm khám trực tràng nếu u ở trực tràng, ống hậu môn. Bệnh nhân có thể tự sờ thấy u.

- Thăm trực tràng: có thể phát hiện khối u ở trực tràng thấp và trực tràng giữa.

- Khám toàn than để phát hiện di căn gan, hạch ngoại vi, dịch cổ trướng, di căn buồng trứng ở phụ nữ, giúp đánh giá mức độ tiến triển bệnh.

Triệu chứng toàn thân:

- Hạch thượng đòn (thường gặp bên trái)

- Thiếu máu

- Gầy sút: người bệnh có thể gầy sút 5-10kg trong vòng 2-4 tháng.

- Suy nhược: bệnh tiến triển lâu làm suy mòn.

Sàng lọc và chẩn đoán

Sau khi hỏi bệnh và khám lâm sàng (bao gồm cả khám trực tràng bằng ngón tay, khám phụ khoa nếu là bệnh nhân nữ) bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm sau:

- Nội soi: nội soi ống cứng giúp phát hiện những tổn thương của trực tràng, nội soi ống mềm được chỉ định thường quy nhằm xác định các tổn thương toàn bộ đại trực tràng và sinh thiết giúp chẩn đoán xác định bệnh.

- Siêu âm qua ngã nội soi để đánh giá độ lan rộng của bướu và tình trạng hạch.

- Chụp CT ngực, bụng chậu, hoặc MRI vùng chậu để khảo sát vị trí, độ lan rộng của bướu, hạch di căn…giúp xếp giai đoạn bệnh trước khi phẫu thuật.

- Tìm đột biến gen như đột biến APC, MLH1, MSH2, MSH6, EPCAM, PMS2…

- Ngoài ra còn cần thêm các xét nghiệm máu, sinh hóa và các xét nghiệm khác khi có chỉ định.

Để tìm kiếm các di căn xa, các xét nghiệm sau đây có thể được chỉ định:

- X-quang ngực thẳng

- Siêu âm bụng

- Xét nghiệm chức năng gan

- PET

- CEA scan

- Xạ hình xương

- CT sọ não

Điều trị

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu: Cắt bỏ đại tràng phải hoặc đại tràng trái tùy theo vị trí khối u cùng với nạo hạch và tái lập lưu thông đường tiêu hoá.

Xạ trị

- Đối với ung thư đại tràng: Vai trò của xạ trị hỗ trợ sau phẫu thuật cắt đại tràng chưa thực sự vai trò rõ ràng. Khác với ung thư đại tràng, xạ trị có vai trò khá quan trọng trong điều trị ung thư trực tràng.

- Xạ trị trước phẫu thuật: Mục đích để giảm giai đoạn khối u, tăng khả năng phẫu thuật, tăng khả năng bảo tồn cơ thắt hậu môn, giảm nguy cơ tái phát sau mổ.

- Xạ trị sau phẫu thuật:  Nhằm giảm nguy cơ tái phát sau mổ.

- Chưa có bằng chứng rõ ràng của việc cải thiện tiên lượng sống của xạ trị trước và sau mổ. Tuy nhiên, xạ trị hỗ trợ (trước hoặc sau mổ) làm giảm rõ rệt tỉ lệ tái phát tại chỗ.

Hóa trị

Từ giai đoạn III của ung thư đại trực tràng, hoá trị hỗ trợ sau mổ làm cải thiện tiên lượng sống còn của bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng.

 


Hội Viên

Thong ke